Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Như một tiếng sét, kết luận của Thanh Tra hôm nay về Đà Nẵng khiến nhiều người sửng sốt. Phải chăng Nguyễn Bá Thanh sẽ theo vết chân Bạc Hy Lai của Trung Quốc? Hay chăng đây là màn tắm gội cuối cùng để tẩy sạch cho Nguyễn Bá Thanh trước khi ra trung ương? Tất cả đều là đồn đoán. Bài viết này phân tích một số thông tin có liên quan để đưa ra nhận xét.

1. Đà Nẵng (ĐN) và Nguyễn Bá Thanh (NBT)

Nhắc tới Đà Nẵng trong suốt mười năm qua thì không thể không nhắc tới NBT. NBT lên nắm quyền vừa lúc với việc trung ương cho tách ĐN ra khỏi Quảng Nam. Lúc đó ĐN được đầu tư rất mạnh để chỉnh đốn, do vậy nên NBT có nhiều việc để làm. Trong mười năm, diện tích ĐN mở rộng khoảng 3,4 lần và thu nhập bình quân cũng tăng khoảng 3,4 lần. ĐN nổi tiếng là một trong những thành phố sạch đẹp, văn minh hiếm có ở Việt Nam. Gần đây người Hà Nội đổ xô vào ĐN mua đất rất nhiều. Người Sài Gòn vốn tự hào về hòn ngọc viễn đông cũng phải bắt đầu coi lại mình so với người em ĐN. Mọi thứ bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Bá Thanh trò chuyện với người dân trên đường hoa xuân
Từ khi NBT nắm quyền, việc đầu tiên ông làm là mở những tuyến đường lớn ở xung quanh TP làm các trục để mở rộng như đường 2-9, đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, CMT8, Ngô Quyền, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, xây các cây cầu Lê Duẩn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Cẩm Lệ, v.v... Tiếp theo là những vạt khu tái định cư lớn với đường bàn cờ ở quanh các trục lớn đó khiến quỹ đất ĐN tăng vùn vụt. Nhà kiểu mới ở ĐN đều có đường nhựa ít nhất 5,5m chạy qua trước nhà. Hệ thống điện nước đều tốt. Chính các khu tái định cư này lại làm chỗ dựa để NBT cấp đất khi cần giải tỏa trong nội đô TP. Mỗi lần giải tỏa các khu ổ chuột thì NBT dùng đất tái định cư với cơ sở hạ tầng tốt để bù lại, sau đó rồi bán lại đất cũ (sau khi đã chỉnh trang đường xá) với giá cao hơn. Tất cả đều là kinh doanh nhưng phần lớn dân ĐN hài lòng.

Việc thứ hai NBT làm là xây lại hệ thống bệnh viện, trường học. Thời NBT, các bệnh viện Đa Khoa, bệnh viện C, bệnh viện Nhi đều được xây thêm, xây mới, biến ĐN trở thành trung tâm y tế cho miền Trung. Ngoài ra các trường đại học, cao đẳng cũng được mở rộng rất nhiều. Hiện tại nhiều thanh niên miền Trung theo học ở các trường tại ĐN, đặc biệt là Bắc Trung Bộ. Song song đó, NBT cũng tiến hành du lịch hóa ĐN bằng các con đường khủng khiếp chạy ven biển, xây dựng các khu Bà Nà, Sơn Trà. Quy hoạch các bãi tắm, tổ chức các sự kiện như hội Quán thế âm, pháo hoa.

Việc thứ ba là làm mới lại bộ mặt thành phố khiến ĐN trông rất mới. Sau khi lập ra các khu tái định cư, dời dân ngoài, NBT bắt đầu giải tỏa mạnh hơn các khu đất vàng ở trung tâm TP để xây nhà cao tầng khiến dân đi xa về đều ngỡ ngàng vì thay đổi. Hiện tại có thể nói dù ĐN nhỏ, nhưng về mức độ hiện đại đô thị thì không kém gì so với HN, SG.

Việc thứ tư là thay đổi tập quán dân ĐN, nổi tiếng vì dẹp được vấn nạn ăn xin, lề đường thông thoáng, không bán dạo. Lúc đầu, NBT lập ra quân áo đen, tức các thanh niên xuất ngũ để đi giữ trật tự cho vỉa hè đường phố. Đội quân này không có quyền như công an, nhưng cũng đóng vai trò hữu hiệu lúc ban đầu để dân ĐN trật tự hơn. Công an thì nghe nói ít nhũng nhiễu hơn địa phương khác. Có lần trên trang otofun còn có bài viết nói công an ĐN tốt bụng khi thay vì phạt đã chỉ đường cho 1 bác tài đi sai đường. Việc này càng có ý nghĩa khi đời sống tinh thần ở VN hiện nay xuống cấp trầm trọng, hiện tượng đâm chém, công an hành dân ở các nơi khác càng khiến nơi yên bình như ĐN có giá hơn.
Ông Nguyễn Bá Thanh thăm Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: Internet 
Như vậy chính sách mà NBT đưa ra trong suốt mười năm qua là giãn dân từ từ, đất đổi đất. Lấy cơ sở hạ tầng để giãn dân ra xa, bù vào đó bán đất nội đô giá cao hơn làm quỹ để tiếp tục xây cơ sở hạ tầng. Chính sự thay đổi này cộng với vẻ đẹp tự nhiên và hiền lành của ĐN thu hút người tỉnh khác đến mua đất, lại góp phần đẩy giá đất ĐN lên, góp vào quỹ nhà đất để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn đều nghẹt thở vì ô nhiễm nặng nề, an ninh kém. Người có tiền đều muốn tới ĐN tậu mảnh đất để chiều chiều tắm biển, ăn uống giá rẻ, giấy tờ dễ dàng mà có bệnh tật cũng có nơi chữa trị tốt.

Tuy có nhiều cái được, nhưng ĐN cũng có nhiều cái mất khiến NBT có tiếng, nhưng cũng mang tiếng.

Hiếm có lãnh đạo địa phương nào ở VN được dân ưa thích như NBT ở ĐN. Một phần do họ thấy đời sống đi lên hẳn từ thời ông làm chủ tịch hai nhiệm kỳ, rồi sau này làm bí thư. Một phần họ thích phong cách của ông, nói ít, làm nhiều. Ngay trong việc nói, NBT cũng có lối nói rất mộc mạc, thậm chí là "nhà quê", hơi hướng sâu cay Quảng Nam. Mỗi lần ông phát biểu trong cuộc họp thành phố, phần viết trong giấy thì ông đọc qua loa rất nhanh, còn lại phần lớn thời gian, NBT tự độc thoại theo một danh sách vấn đề tồn đọng cần giải quyết, từ chi li như toilet công cộng, nuôi chim bên biển, cống xả nước thải, ốc hút ngoài biển tới chuyện lớn như giải tỏa đền bù. NBT không chỉ nói mà còn chỉ rõ ai có liên quan tới từng vụ để họ làm cho rốt ráo. Lối nói hài hước của NBT cũng được dân ĐN ưa thích, mỗi đợt truyền hình trực tiếp họp TP thì nhiều người theo dõi như buổi tấu hài, táo quân cuối năm trên VTV.

Tuy nhiên, NBT cũng bị dân ĐN nghi ngờ trong vụ án Trần Văn Thanh, chính xác hơn là nghi ngờ nhận hối lộ 4,4 tỉ trong vụ xây cầu sông Hàn 2000 của Phạm Minh Thông. Bên cạnh đó, quy hoạch ĐN cũng vấp một số phản đối, đặc biệt là hai đừơng ven biển Liên Chiểu Thuận Phước và Sơn Trà Điện Ngọc. Hai đường này lấn quá sát biển khiến méo mó hình ảnh bờ biển ĐN. Bờ biển bao bọc bởi rừng cây xanh đẹp bị thay thế bởi đừờng nhựa chạy sát như nhát dao cứa vào tim người ĐN yêu biển. Một thời gian dưới điều hành của NBT, một vạt nhà hàng mọc lên ngay trên bờ cát biển khiến dân ĐN phản đối kịch liệt vì che chắn tầm nhìn và vì sợ ô nhiễm biển. Biển ĐN còn bị lên báo trong nước do tình trạng chia lô bãi biển, khiến bãi tắm của dân ĐN giờ bị thu hẹp, dân chài không có đường ra biển nhường đất cho các bãi resort như nấm.

Tội của Nguyễn Bá Thanh - Đường và nhà hàng lấn sát biển
Về mặt này, ông Nguyễn Sự của Hội An có tâm hồn hơn Nguyễn Bá Thanh.

Nhìn chung, một lãnh đạo như NBT có mặt tốt là dám chịu dám làm, quyết đoán, chi li, biết thu phục lòng người. Nhưng có vẻ như mặt hạn chế lại nằm trong chính bản thân con người thô mộc của ông, đó là không biết làm du lịch cho đúng cách và phá hoại thiên nhiên.

2. Văn bản Thanh Tra đánh vào các điểm gì?

Mục 1 và 2 của Thanh Tra nêu lên những điểm tích cực của thành phố đN.

Mục 3 nhắc đến vấn đề quy hoạch giải tỏa quá lớn của ĐN, cụ thể về kế hoạch sử dụng đất đạt từ 30-40% so với kế hoạch. Từ đó, bản báo cáo dẫn ra sự quy hoạch thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với tình hình và nhu cầu địa phương.

Tuy nhiên điều này chưa hợp lý bởi với một địa phương giải tỏa nhiều như ĐN cần phải có một quỹ đất tái định cư dồi dào để cung cấp cho dân bị giải tỏa, từ đó công tác giải tỏa đất đai mới diễn ra thuận lợi nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhờ vào sự thừa đất đó mà giá đất ở ĐN khá mềm so với các địa phương khác. Sau cùng, ai dám nói với một thành phố đang phát triển mạnh như ĐN thì trong tương lai số đất đó không được lấp đầy. Một quy hoạch rộng hơn để đón đầu phát triển thì mới gọi là quy hoạch . Điều này là đáng nói nếu so với Hà Nội, Sài Gòn khi quy hoạch chưa xong thì đã thấy lỗi thời.

Mục 4 nhắc đến vấn đề giao đất không qua đấu giá, tạo kẻ hở cho một số người trục lợi vì được giao đất giá rẻ. Tuy nhiên không thể phủ nhận một điều rằng nhiều người dân ĐN được hưởng lợi từ chính sách giao đất giá rẻ của NBT, nhất là đối với người dân tái định cư. Một khi bị giải tỏa, người dân có quyền mua đất nền nơi khác với giá thấp hơn. Chính sách này khuyến khích người dân đồng ý dời đi nơi khác.

Mục 5 liên quan đến việc giao quyền cho các Ban quản lý dự án thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, từ đó dẫn đến nhiều sai phạm như không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn... làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên cần phải nói rõ sự năng động nhanh chóng của ĐN trong công tác giải tỏa đền bù, cũng nhờ vào chính sách này. Các Ban quản lý dự án có nhiều quyền lực thống nhất và nắm tình hình nên tự quyết định nhanh. Chính điều này giúp ĐN giảm thiểu được các vụ kiện thưa, giải quyết tốn thời gian với dân cư vùng giải tỏa.

Mục 6 liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất chưa sát giá thị trường gây thất thu ngân sách và làm lợi cho một số công ty có liên quan. Đặc biệt báo cáo chi tiết về các vụ chuyển nhượng đất từ chủ ban đầu, qua nhiều lần chuyển nhượng, đến chủ cuối cùng, mà chênh lệch tổng cộng chỉ ra đến 2000 tỉ. Tuy nhiên báo cáo không thực tế khi không nhìn nhận thấy đâu là giá đất thật sự ở ĐN. Con số 2000 tỉ xác định dựa trên giá đất cuối cùng, vốn bị đầu cơ trong những năm đầu khủng hoảng nhà đất. Việc ĐN giao đất cho tư nhân để đầu tư với giá thấp là một cách thu hút đầu tư, đưa đất vào sử dụng nhanh chóng, kéo dân đến TP. Các tác động này không được đánh giá trong báo cáo.

Mục 7 liên quan đến giảm 10% tiền sử dụng đất nếu các đối tượng nộp tiền nhanh, dẫn đến thiệt hại 1300 tỉ đồng. Tuy nhiên báo cáo không đánh giá tác động của việc này đến việc thu tiền nhanh từ các dự án bán đất, lãi ngân hàng do thu tiền sớm, đến tác động tích cực về mặt tinh thần của các hộ dân giải tỏa khi được giảm giá đất mua lại.

Mục 8 về việc gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất và miễn nộp phạt trong nhiều trường hợp, từ đó gây thất thu ngân sách. Tuy nhiên báo cáo không chỉ rõ thiệt hại bao nhiêu.

Mục 9 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều dự án với giá rẻ, gây thiệt hại ngân sách. Tuy nhiên thiệt hại là bao nhiêu thì không rõ.

Tựu trung lại, tất cả các mục Thanh Tra đều chỉ ra ĐN đã vi phạm nhiều điều luật trung ương, gây thiệt hại ngân sách. Tuy nhiên điều đáng suy nghĩ là tất cả những vi phạm này đều theo hướng có lợi, tạo thuận lợi cho nhân dân, cho nhà đầu tư. Trong hoàn cảnh trên khắp đất nước tràn lan các vụ giải tỏa đền bù gây thiệt hại đến người dân thì có thể hiểu tại sao người dân, doanh nghiệp từ các nơi khác muốn đến lập nghiệp ở ĐN. Phải chăng đây chính là “bí quyết” của ĐN.

Với bản báo cáo này, tôi nhận định nó có rất ít ảnh hưởng đến sự nghiệp NBT. Ngược lại, việc “bạch hóa" này còn góp phần gầy dựng thêm uy tín lãnh đạo cho NBT ngay trước thềm ra Ba đình nhậm chức.

Innova 

Nguồn: DL 
Bình luận với Facebook:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét